GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU VÀI NÉT VỀ THPT VÕ THỊ SÁU - 50 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
TRƯỚC NGÀY GIẢI PHÓNG
    Trường THPT Võ Thị Sáu tọa lạc tại 95 Đinh Tiên Hoàng, Phường 3, Quận Bình Thạnh, cửa ngõ phía Bắc của thành phố. Dù ở ngay trung tâm con đường, tấp nập người qua lại nhưng ngôi trường vẫn mang dáng vẻ bình yên, khép mình dưới những tán cây phượng tươi xanh, chất chứa nhiều kỷ niệm với bề dày lịch sử 50 năm. Được thành lập năm 1957, lúc ấy mang tên trường Trung học Trương Tấn Bửu nằm trong khuôn viên của trường Tiểu học Nam tỉnh lỵ, nay là trường THCS Lê Văn Tám. Ban đầu trường có 3 lớp đệ thất gồm cả nữ sinh và nam sinh. Năm 1959 trường vẫn nằm tại vị trí trên nhưng tách nam sinh ra học tại trường Hồ Ngọc Cẩn nay là trường Nguyễn Đình Chiểu, còn nữ sinh có 6 lớp vẫn học tại trường. Đến 1960 trên một diện tích rộng lớn, vốn là đầm lầy, trường được xây dựng mới, dời về số 95 Đinh Tiên Hoàng và đổi tên thành trường Nữ Trung học Lê Văn Duyệt, vừa có cấp II và cấp III, với đồng phục áo trắng. Trong những năm chiến tranh, Sài Gòn còn trong vòng kiểm soát của kẻ thù, chúng đàn áp phong trào học sinh, sinh viên dữ dội và đẫm máu, những nữ sinh Lê Văn Duyệt duyên dáng, trong trắng, thơ ngây ngày nào lại hoà nhập với dòng người đông đảo đấu tranh đòi hoà bình cho dân tộc. Nhiều thế hệ học sinh vẫn còn nhắc mãi tên tuổi người liệt sĩ Phạm Thị Thu Vân đã cùng các chị Đào Thị Hạnh, Cao Thị Tuyết Hoa, v.v… thức tỉnh, kêu gọi lớp trẻ trí thức phải luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Và kỳ diệu thay, ngày mà cả dân tộc mong đợi đã đến - chiến thắng mùa xuân 1975.
SAU NGÀY GIẢI PHÓNG
    Năm 1975 miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, để nhớ ơn những người anh hùng đã hi sinh cho Tổ quốc trường được đổi tên thành trường cấp III Võ Thị Sáu. Đến năm học 1978 – 1979, trường giải thể cấp II, thu nhận cả nam sinh và nữ sinh, trở thành trường Trung học Phổ thông Võ Thị Sáu. Từ 1975 – 1999 trường có 16 phòng học, một số phòng chức năng, lúc nhiều học sinh nhất có 37 lớp cả 3 khối. Các thế hệ hiệu trưởng từng gắn bó với trường như bà Trần Thị Hoàng Mai, Hồ Thị Liên An, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Yến Thu, Lâm Túy Bích. Hơn 20 năm ấy, đất nước nhiều khó khăn, thử thách nhưng lớp lớp cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường đã nổ lực phấn đấu để dạy tốt, học tốt, giữ gìn trật tự kỷ cương và xây dựng được một tập thể sư phạm đoàn kết nhất trí cao, đào tạo được biết bao thế hệ học sinh đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ thành phố.
MỘT BƯỚC CHUYỂN MÌNH
    Mùa xuân năm 2000 là khoảng giao thời giữa hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ. Trong mơ ước của con người, đó là mùa nảy mầm cho những ước mơ, hoài bão cao đẹp về một ngày mai tươi sáng. Cũng vào thời điểm ấy, ngôi trường được đón tiếp vị hiệu trưởng mới - Thầy Ngô Huynh. Bằng sự năng động, sáng tạo tập thể sư phạm đã đưa ngôi trường chuyển mình sang một giai đoạn mới. Hiện nay trường có 36 phòng học, đầy đủ các phòng chức năng, trên 60 lớp với 3000 học sinh, 103 cán bộ - giáo viên - công nhân viên và môi trường sư phạm khang trang, thoáng mát. Từ chỗ ngại ngần đổi mới phương pháp, nay việc giảng dạy bằng giáo án điện tử đã trở nên quen thuộc và phổ biến rộng khắp các tổ. Số lượng chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cứ tăng dần theo năm tháng. Học sinh giỏi qua các kỳ thi ngày càng nhiều. Đã bao năm liền chất lượng đào tạo sánh vai cùng các trường lớn của thành phố. Đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngày càng được nâng cao, giúp cho anh em yêu nghề hơn, gắn bó với trường, lớp hơn. 5 năm so với bề dày lịch sử của ngôi trường chưa có là bao nhưng nhà trường đã tiến một bước rất dài về mọi mặt, có thể tự hào sánh vai cùng các trường có tên tuổi trong thành phố. 50 năm trải qua bao thăng trầm của lịch sử ngôi trường vẫn bình yên và phát triển mạnh mẽ, đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp trồng người. Nhiều thế hệ học sinh đã, đang và sẽ có mặt trên mọi nẻo đường của đất nước góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta nhìn lại quá khứ để tự hào, nhìn về tương lai để phấn đấu. Tương lai bắt đầu từ hôm nay, thầy trò chúng tôi vẫn tự nhủ với lòng mình như vậy.
Từ  năm 2005, khi Luật giáo dục ra đời qui định một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục là thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục. Lúc đó Hiệu trưởng nhà trường đã thực hiện đúng theo các công văn hướng dẫn của Bộ giáo dục, Sở giáo dục. Song song đó, các hoạt động diễn ra trong trường đều gắn liền với các tiêu chuẩn, tiêu chí, nội hàm của các tiêu chí được qui định trong công văn hướng dẫn thực hiện Kiểm định chất lượng giáo dục và đạt được một số thành tích nhất định, có bước tiến mới trong quá trình dạy học.
Nhận cờ thi đua của Thành phố năm học 2012-2013
 Trong quá trình tìm tư liệu minh chứng, rà soát tất cả các hoạt động diễn ra trong trường để viết  dự thảo báo cáo Tự đánh giá năm 2010 theo 7 tiêu chuẩn, 46 tiêu chí và 138 chỉ số, nhà trường đã có dịp nhận ra ra những điểm thuận lợi, khó khăn và thiếu sót của mình  một cách toàn diện.
Ngày 30 tháng 12 năm 2012, nhà trường có công văn đề nghị Sở giáo dục Đào tạo TP.HCM thành lập đoàn Đánh giá ngoài đối với trường nhằm có sự  đánh giá  các hoạt động của nhà trường một cách khách quan và toàn diện hơn.  Theo Quyết định số 08/QĐ-GD-ĐT-TC ngày 03/01/2013 của Giám đốc Sở GD-ĐT, Đoàn Đánh giá ngoài (Đợt 6, đoàn 17) đã nghiên cứu hồ sơ, Báo cáo Tự đánh giá của nhà trường. Đoàn đánh giá ngoài cũng đã tiến hành  khảo sát, thực hiện đánh giá  tất cả các hoạt động của trường, viết Báo cáo đánh giá về Trường THPT Võ Thị Sáu từ ngày  24/01/2013- 16/04/2013. Nhờ sự nghiên cứu, khảo sát  rất chi tiết, cụ thể, toàn diện và góp ý chân thành, khách quan của Đoàn đánh giá ngoài, nhà trường đã hoàn thiện Báo cáo Tự đánh giá  tháng 4.2013.
Đại diện Sở Giáo dục và Quận Bình Thạnh chúc mừng nhà trường
 đạt CLKĐGD cấp độ 3 ( là cấp độ cao nhất)
Ngày 20.08.2013, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 4486/QĐ-UBND công nhận và cấp Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường THPT Võ Thị Sáu đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 ( là cấp độ cao nhất trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường THPT). Điều này vừa  là vinh dự,  là cơ hội để khẳng định mình nhưng cũng là thách thức đối với toàn thể CB-GV-NV-HS nhà trường. Thầy Trò trường chúng tôi nguyện phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực thi đua dạy tốt, học tốt để đào tạo những thế hệ học sinh có năng lực, phẩm chất toàn diện, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập.